Nam Đông cách thành phố Huế khoảng 50km, cách đường quốc lộ 1A (La Sơn) khoảng 25km. Địa bàn của huyện là một thung lũng, phía Tây giáp huyện A Lưới, phía Đông giáp huyện Phú Lộc, phía Nam giáp huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), phía Bắc giáp thị xã Hương Thủy.

Thành phần dân cư chủ yếu có hai dân tộc là Kinh và Cơ tu cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc Cơ tu chiếm hơn 43% dân số, với các đặc điểm sinh sống, bản sắc riêng là yếu tố góp phần tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện.

Với địa hình là một thung lũng, xung quanh bao bọc bởi nhiều dãy núi cao, Nam Đông có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng để khai thác phục vụ du lịch, bao gồm: hệ thống suối, thác, hang động, hệ thống thảm thực vật, rừng nguyên sinh và hệ thống các hồ chứa nước Tả Trạch, Thủy điện – Thượng Lộ, Thượng Nhật.

Huyện được du khách biết đến là một vùng núi có nhiều thác đẹp như thác Mơ, thác Trượt, thác Phướng. Đây là điểm mạnh của huyện cần khai thác hướng đến thị trường khách đô thị muốn tìm về nơi có khí hậu trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp để thư giãn, nghỉ dưỡng.

Huyện Nam Đông có những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ tu bao gồm hệ thống văn hóa vật thể: Kiến trúc nhà gươl, nhà cộng đồng, nhà mồ, trang phục truyền thống, các dụng cụ, nhạc cụ…rất phong phú; văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, lễ hội, âm nhạc, điệu múa truyền thống … cũng là yếu tố văn hóa phi vật thể rất được nhiều du khách nước ngoài quan tâm tìm hiểu như Nhật Bản, Hàn Quốc, cần được lưu truyền, gìn giữ và khai thác hiệu quả vào hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương. Bên cạnh đó các khu chiến tích Đồn Nam Đông, Đồn Khe Tre, địa đạo Ka Tư có thể đưa vào khai thác hướng đến nhu cầu tham quan học tập của thế hệ học sinh các trường trên địa bàn huyện, khai thác du lịch đối với đối tượng muốn tìm hiểu về chiến trường xưa….

Qua quá trình lao động sản xuất và những đặc điểm vùng miền đã hình thành những loại sản vật đặc trưng như cam, mít, dứa, thanh trà, măng tre, mật ong rừng, ớt…là các sản phẩm sạch rất được du khách ưu chuộng.